Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Hướng dẫn cách tự học tiếng Anh cho người mất căn bản

Thực tế, đối với những người mất căn bản, việc bắt đầu lại thực sự khó khăn. Có những người mất kiến thức cơ bản tiếng Anh cho rằng mình không thích tiếng Anh, muốn học nhưng không thể tiếp thu được kiến thức. Bạn nghĩ mình không hề có khả năng ngoại ngữ hay không có nguồn cảm hứng khi học vì không được học những thầy cô thực sự giỏi. Chỉ đến khi cảm thấy sự quan trọng của tiếng Anh có thể do đứng trước kỳ thi quan trọng, hay yêu cầu công việc, bạn quay trở lại học tiếng Anh và việc nắm bắt được cũng như sử dụng được tiếng Anh lúc này là cả một vấn đề lớn. Trước thực tế này, bài viết đưa ra một số phương pháp giúp người mất kiến thức cơ bản tiếng Anh có thể nhanh chóng tiến bộ trên con đường chinh phục tri thức.
Trước hết bạn cần phải xác định rõ trình độ ngoại ngữ của mình đang ở đâu, như thế nào. Bạn đã quên gần hết những gì mình học trong nhà trường hay không biết tí gì về tiếng Anh vì chưa từng học bao giờ. Học tiếng Anh mất kiến thức cơ bản có nghĩa là bạn đang học lại từ đầu. Vậy hãy chọn đúng điểm bắt đầu và cách học phù hợp cho bản thân mình cũng như động lực để học bởi xây dựng lại một nền tảng vững chắc là bước đầu tiên để học lại tiếng Anh.
Sau khi xác định được rõ trình độ ngoại ngữ của mình thì hãy tìm động lực cho mình. Trả lời câu hỏi: Tại sao bạn muốn học tiếng Anh? Trước khi quay lại việc học tiếng Anh, hãy trả lời câu hỏi đó, liệu bạn bắt đầu học lại tiếng Anh vì bạn muốn học hay bởi vì ai đó khác muốn bạn học? Giống như bất cứ một quyết định nào trong đời mình, việc học lại tiếng Anh phải là việc bản thân bạn muốn làm. làm cho chính bản thân mình và nên xuất phát từ sự yêu thích của bạn.
Lập ra các mục tiêu. Nếu bạn biết tại sao mình muốn quay trở lại học tiếng Anh thì việc lập mục tiêu sẽ rất dễ dàng. Ví dụ, nếu bạn muốn tới thăm một đất nước nói tiếng Anh thì mục tiêu của bạn chính là học "survival English" – tiếng Anh dùng để giao tiếp, giúp bạn sống được trong môi trường nước ngoài. Nếu mục đích bạn học là để giao tiếp với người bản ngữ thì bạn nên học "communicative English" – tiếng Anh giao tiếp.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, bạn hãy lập kế hoạch học tập. Việc này phụ thuộc vào thời gian. Bạn muốn thành thạo tiếng Anh trong bao lâu? Câu trả lời này sẽ khác nhau phụ thuộc vào hoàn cảnh mỗi người. Nếu bạn làm việc 60 giờ một tuần thì việc dành 40 giờ trong một tuần ấy để học tiếng Anh là không thể. Vậy bạn hãy bắt đầu bằng khoảng thời gian ngắn nhưng phải đều đặn. Việc sử dụng những công cụ hoặc các nguồn học tiếng Anh một cách hiệu quả cũng là một thách thức nhưng không phải là quá khó. Hãy tìm cho mình công cụ hay kênh học tiếng nào hiệu quả nhất cho mình. Sau khi bạn học được một thời gian, khoảng một vài tuần thì hãy điều chỉnh lịch học cho phù hợp và làm theo. Liệu bạn học hiệu quả nhất vào buổi tối hay trên xe buýt trên đường đi làm hoặc đến trường không? Bạn có thích học một mình ở nơi yên tĩnh hay học với bạn bè và trong không gian có chút nhạc nhẹ không?
Lập một cam kết. Việc học tiếng Anh đòi hỏi nhiều động lực. Không có ai kiểm tra việc học của bạn khi bạn không ở trên lớp. Nếu bạn đảm bảo mình sẵn sàng bắt tay vào việc học lại tiếng Anh thì hãy làm một bản cam kết với chính bản thân mình.
Hãy coi việc học tiếng Anh là niềm vui. Những thứ chúng ta làm tốt nhất trong cuộc sống chính là những thứ chúng ta thích làm. Nếu bạn không thấy vui khi học tiếng Anh thì bạn sẽ không học có hiệu quả. Bạn có thể tự lập ra một chương trình thưởng cho mình để khuyến khích, tạo động lực cho mình trong quá trình học.
Học đều cả bốn kỹ năng. Hầu hết các sinh viên đều muốn giao tiếp bằng tiếng Anh thành thạo. Nếu đây là một trong số những mục tiêu của bạn thì việc học đều cả bốn kỹ năng là điều cực kỳ quan trọng. Nghe – Nói – Đọc – Viết là các kỹ năng lớn chính bạn cần dùng để giao tiếp bằng bất cứ một ngôn ngữ nào. Chỉ thành thạo một trong bốn kỹ năng sẽ không giúp gì cho bạn. Sai lầm của rất nhiều người khi bắt đầu quay lại với tiếng Anh là họ không biết cách học kết hợp các quá trình học, thường thì luôn có sự tách rời, nghe với nói và đọc, viết. Cách học này đặc biệt không hiệu quả, vì cũng như tiếng Việt hay bất kỳ ngôn ngữ quốc tế nào, các kỹ năng ngôn ngữ được hình thành thông qua quá trình rèn luyện từ nghe, nói sau đó đến đọc và viết, giống như quá trình một đứa trẻ học ngôn ngữ mẹ đẻ, chúng học chậm, đầu tiên học nghe, sau đó học nói và cuối cùng mới là đọc và viết. Vậy phương pháp học tiếng Anh hiệu quả là không bao giờ tách riêng các quá trình, bởi luôn có một mối liên hệ, gắn kết đặc biệt giữa các kỹ năng. Bạn cần phải nghe trước rồi mới tập đọc và nói theo cho thành thạo rồi sau đó đọc bài và viết ra các ý chính cần thiết – đọc tốt rồi viết mới tốt. Người ta thường chia bốn kỹ năng giao tiếp này thành hai nhóm:
– Đầu vào gồm Nghe (thông qua tai) và Đọc (thông qua mắt)
– Đầu ra gồm Nói (thông qua miệng) và Viết (thông qua tay)
Đầu tiên bạn hãy hoàn thành tốt phần đầu vào sau đó là đầu ra. Trước hết, hãy học nghe, nghe câu hỏi người khác đặt cho bạn, rồi bạn mới học nói và trả lời câu hỏi đó. Bạn hãy đọc lá thư người khác viết cho bạn, sau đó đến lượt bạn viết lại. Đó là ví dụ minh họa cho sự giao tiếp.
Các kỹ năng đầu vào và đầu ra này không nhất thiết phải đi theo một trình tự nhất định. Bạn có thể nói trước hoặc viết trước vì trong quá trình giao tiếp, đối tượng thực hành ngôn ngữ cùng bạn sẽ sử dụng các kỹ năng còn lại. Đó chính là lý do giải thích cho việc vì sao bạn nên học đều cả bốn kỹ năng để giao tiếp hiệu quả. Một số sinh viên băn khoăn kỹ năng nào là quan trọng nhất. Vì tất cả kỹ năng này liên hệ chặt chẽ với nhau nên chúng đều quan trọng. Tuy nhiên, để giao tiếp, chúng ta sử dụng một số kỹ năng nhiều hơn các kỹ năng còn lại. Ví dụ, khoảng 40% thời gian chúng ta dành giao tiếp đơn giản chỉ là nghe. Chúng ta nói khoảng 35% thời gian. Xấp xỉ 16% thời lượng giao tiếp là đọc và 9% là viết. Những con số thống kê này là dành cho một người bình thường giao tiếp bằng tiếng Anh. Dựa vào công việc và tình huống mỗi người, các con số này có thể khác nhau.
Mỗi kỹ năng này lại có những kỹ năng nhỏ khác kèm theo mà bạn cần lưu ý. Ví dụ như phát âm là một loại nằm trong kỹ năng nói. Chính tả là kỹ năng giúp bạn đọc hiểu và viết tốt hơn. Ngữ pháp và từ vựng cũng là kỹ năng nhỏ. Nhưng nhỏ không có nghĩa là chúng không quan trọng. Những kỹ năng lớn như kỹ năng nghe là chung, còn kỹ năng nhỏ là cụ thể hơn. Từ việc học tốt các kỹ năng nhỏ này sẽ giúp bạn phát triển tốt các kỹ năng tổng quan. Để đạt được kết quả tốt nhất, hãy lập ra một kế hoạch lịch trình học có sự kết hợp việc học cả bốn kỹ năng lớn. Học kỹ năng này liên hệ với kỹ năng khác. Ví dụ, đọc một câu chuyện và sau đó kể lại câu chuyện đó với bạn mình hay xem một bộ phim và sau đó viết về nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét